Phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của mọi người để xây dựng gia đình và xã hội tốt hơn.
Mọi người trong xã hội, các thành viên trong gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ, con cái, anh , chị, em, con, cháu, nội, ngoại trong gia đình cần có trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình.
Trước tiên chúng ta cần biết thế nào là bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi bạo lực gia đình gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị em với nhau. Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riệng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên trong gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Các hành vi bạo lực gia đình nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên của gia đình vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam nữ không đăng ký kết hôn mà sống với nhau như vợ chồng.
Phòng chống bạo lực gia đình được thực hiện theo những nguyên tắc: kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân Việt Nam. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn, và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình
Người có hành vi bạo lực gia đình phải thực hiện những nghĩa vụ:
1. Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực.
2. Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Kịp thời đua nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, từ trường hợp nạn nhân từ chối.
4. Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định pháp luật.
Thái Văn Dũng