Quá trình hình thành
Gò Nổi được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt của đất Quảng Nam, gồm 3 xã cù lao Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang thuộc thị xã Điện Bàn. Gò Nổi bắt đầu từ Điện Phong, theo con lộ 610B đi lên đến xã cuối cùng là Điện Quang. Trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Cư dân Điện Quang vốn đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Những cư dân này đã ngược dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ đó, sinh sôi nảy nở ra những bậc hiền tài cho đất nước.
Xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách quốc lộ IA về phía tây theo tỉnh lộ 610B khoảng 14 cây số. Nằm ở vị trí tiếp giáp 3 huyện, thị: Điện Bàn, Đại Lộc và Duy Xuyên.
Xã Điện Quang phía đông giáp xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn), phía tây giáp sông Thu Bồn xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc), phía nam giáp sông Bà Rén xã Duy Châu, Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), phía Bắc giáp sông Thu Bồn xã Điện Hồng và xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), cách trung tâm thị xã Điện Bàn tại phường Vĩnh Điện về phía tây nam 15 cây số, cách tỉnh lỵ Quảng Nam tại thành phố Tam Kỳ 56 cây số về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng về phía nam khoảng 35 cây số.
Xã Điện Quang nằm trong khu vực duyên hải miền trung nên chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại bị chi phối bởi dãy núi Trường Sơn nên khí hậu thất thường. Ba phia tây, nam, bắc giáp với sông và có những ao hồ nên thoáng mát. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng thiên tai bão lũ vào các tháng 9, 10, 11 như các trận lụt năm 1964, 1999, bão năm 2006, 2009, … Thế nhưng bên cạnh tác hại do bão lũ gây ra thì cũng đồng thời phù sa được bồi đắp cho đất thêm màu mỡ.
Đất đai: Diện tích tự nhiên: 1.461,4 ha, trong đó đất nông nghiệp: 546,9 ha; đất lúa: 164,9 ha; đất phi nông nghiệp: 346,7 ha; đất chưa sử dụng: 327,8 ha; đất ở dân cư nông thôn: 239,8 ha. Dân số: 9.651 người – Số lao động: 5.650 người, chiếm 58,4% - Số lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa cao (lao động chưa qua đào tạo còn nhiều, lao động có chất lượng thường đi khỏi địa phương).
Tổ tiên các dòng họ đến vùng đất Điện Quang khai cơ lập nghiệp dựng nên làng xã từ thuở còn là rừng nguyên sinh, hoang vu, rậm rạp thời vua Lê Thánh Tông (1471), Chúa Nguyễn (1558), và triều Nguyễn bắt đầu là Gia Long (1802). Những tộc họ như Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Trịnh, Đinh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê, Thái, Phạm, … phần lớn là người ở các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương ngoài Bắc vào. Suốt chiều dài lịch sử từ khi các tộc họ vào khai phá và đinh cư trên đất Điện Quang có trên 100 tộc họ. Qua những đổi thay của lịch sử đến nay toàn xã có 97 tộc họ. Tộc họ ở lâu nhất được 20 – 22 đời, còn phần đông là 17, 18 đời. Hiện nay các tộc họ đang ra sức truy tìm lịch sử của tộc họ mình trên mảnh đất quê hương Điện Quang.
B/CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, VĂN HÓA:
I/Chính trị , xã hội:
Xã Điện Quang vốn đã được hình thành vào cuối thế kỷ XIV, đến thế kỷ XV thì dân cư đông đúc hơn cùng với Gò Nổi hôm nay. Theo sự thay đổi của Điện Bàn trong lịch sử, Điện Quang cũng đã nhiều lần thay đổi tên và địa giới:
+Trước 1945 xã Điện Quang hình thành làng trong 115 làng thuộc huyện Điện Bàn.
+Đầu năm 1946 huyện Điện Bàn tiến hành hợp xã lần thứ nhất, 115 làng trở thành 37 xã. Riêng Điện Quang hiện nay gồm 2 xã Chương Dương và Hoàng Diệu. Xã Chương Dương gồm các thôn Văn Ly, Tư Phú Đông, Tư Phú Tây, Khương Thạnh, Tam Điện và xã Hoàng Diệu gồm các thôn Bảo An, Phi Phú, Ân Phú, Xuân Đài.
+Tháng 11/1948 Điện Bàn nhập xã lần thứ hai (từ 37 xã còn 11 xã), Điện Quang bây giờ lúc đó gồm 2 xã đó là xã Điện Hồng và xã Điện Quang. Xã Điện Hồng gồm các xã cũ: Chương Dương, Hoằng Hóa, Tân Phong, (Hoằng Hóa, Tân Phong nay thuộc xã Điện Hồng bên kia sông Thu Bồn). Xã Điện Quang gồm các xã cũ: Hoàng Diệu, Thái Hòa, Tân Chế, (Thái Hòa, Tân Chế nay thuộc xã Điện Thọ).
+Sau 1954 Điện Quang lại đổi thành 2 xã Phú Mỹ, Phú Tân.
+Giữa năm 1965, huyện Điện Bàn được phân chia thành 5 vùng, Gò Nổi là vùng K gồm 6 xã. Riêng xã Điện Quang ngày nay bao gồm các xã Điện Hồng (có thôn Văn Ly, Tư Phú Tây, Tư Phú Đông, Tam Điện, Thạnh Mỹ) và xã Điện Quang (có các thôn Bảo An, Phi Phú, Điện Phú, Xuân Đài, Kỳ Lam Nam).
+Cũng trong thời kỳ này chính quyền Mỹ - Diệm chia Điện Bàn thành 4 khu. Gò Nổi là khu Phù Kỳ có 6 xã, riêng Điện Quang ngày nay thì lúc đó gồm 2 xã Phú Mỹ, Phú Tân thuộc khu Phù Kỳ. Phía dưới đường sắt gồm 4 xã: Điện Phong Điện Chính, Điện Tân, Điện Nhơn.
+Sau ngày thống nhất đất nước , tháng 8/1975 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các xã Điện Hồng, Điện Quang và Điện Phong (tức một phần của xã Điện Trung ngày nay) nhập lại thành một xã gọi là xã Điện Biên.
+Tháng 12/1975, tách Điện Phong ra khỏi Điện Biên để lập xã riêng. Điện Hồng, Điện Quang thành 1 xã gọi là xã Điện Xuân gồm các thôn: Phú Văn (Văn Ly, Phú Tây), Phú Đông, Điện Hồng (Tam Điện, Thạnh Mỹ), Bảo An (Bảo An Tây, Bảo An Đông), Phi Điện (Phi Phú, Điện Phú), Xuân Kỳ (Xuân Đài, Kỳ Lam).
+Đầu năm 1976 xã Điện Xuân lại đổi tên một lần nữa thành xã Điện Quang cho đến ngày nay. Xã Điện Quang hiện nay gồm có 11 thôn kể từ trên xuống: Văn Ly, Phú Tây, Phú Đông, Na Kham, Thạnh Mỹ, Bảo An Tây, Bảo An Đông, Bến Đền Tây, Bến đền Đông, Xuân Đài và Kỳ Lam. Mỗi thôn quá trình hình thành và phát triển tương tự nhau, nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt:
1)Thôn Văn Ly: Văn Ly. Là thôn đầu của 3 xã Gò Nổi, được bao bọc bởi 2 nhánh sông Thu Bồn (nhánh trước và nhánh sau). Là nơi có địa bàn chiến lược quân sự quan trọng nên khi Pháp xâm lược đã dựng đồn bót gọi là đồn Văn Ly. Là vùng đất trù phú, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều quần thể văn hóa như đình làng, miếu Quan Thánh, miếu Tam Vị, Miếu Thánh Mẫu, … thời gian và chiến tranh đã hủy hoại quần thể kiến trúc ấy. Người dân Văn Ly cần cù, nhân hậu, đoàn kết cùng nhau chống chọi với thiên tai, địch họa, bám đất, giữ làng, hứng chịu bao đau thương thử thách của chiến tranh. Đến nay toàn thôn có 198 hộ, 945 nhân khẩu.
2)Thôn Phú Tây: Cũng theo bước chân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông các tộc họ đã đến đây (Trần Công, Trần Kim, Trần Hữu, Thái, Trần Ngọc, Trần Chánh, Hồ, …..) và các chư tộc khác đã sinh sống xen kẻ nhau. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 làng Phú Tây có tên là Tư phú Tây. Là mảnh đất cách mạng kiên cường, hiếu học (qua các khoa thi có 1 tiến sĩ, 1 cử nhân, 5 tú tài), cần cù lao động. Toàn thôn có 209 hộ, với 1.134 nhân khẩu.
3)ThônThôn Phú Đông: Các tộc họ ở dây như Trần Công, Trần Kim, Trần Hữu, Thái, Ngô, Lê, Trần Văn, … người đến trước kẻ đến sau đã cùng nhau chung sống trên mảnh đất này. Trước Cách mạng tháng Tám, làng Phú Đông được gọi là Tư Phú Đông – làng vốn có truyền thống yêu nước như cụ Trần Cao Vân, Trần Công Chương, … Toàn thôn hiện nay có 310 hộ gia đình với 1.200 nhân khẩu.
4)Thôn Na Kham: Na Kham là đất hiếu học (có 4 cử nhân, 810 tú tài qua các khoa thi); giàu truyền thống yêu nước: cụ Lê Đình Đỉnh, Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, … Hiện nay thôn có 111 hộ, 450 nhân khẩu.
5)Thôn Thạnh Mỹ: Là mảnh đất hiếu học (1 cử nhân, 3 tú tài). Tấm gương yêu nước của cụ Lê Đình Dương đã đi vào lịch sử. Toàn thôn có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ, 1 gia đình có công với cách mạng, 6 thương, bệnh binh – có 130 hộ, 518 nhân khẩu.
6)Thôn Bảo An (Đông – Tây): Đông nhất là các tộc Phan, Ngô, Nguyễn, Thái Phạm, … sinh sống ở đây. Người Bảo An có truyền thống hiếu học (có 16 người đỗ cử nhân, trong đó 2 phó bảng và 6 vị tương đương cử nhân, 26 tú tài, thời tân học có 50 người đỗ thành chung trở lên). Là mảnh đất kiên cường cách mạng với nhiều tên tuổi anh hùng: Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Thao, … Toàn thôn có 560 hộ; 2.370 nhân khẩu.
7)Thôn Bến Đền Tây: Là làng có truyền thống lâu đời với quần thể đình làng được bố trí một cách hợp lý. Khu trung tâm gồm một ngôi đình, các chùa lớn xung quanh cùng các công trình như hội Văn, hội Hiếu, hội Nghia, nhà Cầu Tằm. Nhưng thời gian và chiến tranh đã hủy hoại quần thể ấy. Hiện thôn có 200 hộ, 976 nhân khẩu.
8)Thôn Bến Đền Đông: Làng xưa kia có một ngôi đình khang trang và 3 nhà thờ tộc để cúng lễ hàng năm và cũng là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Làng có bến sông gọi là Bến Cồn Chài, thường xuyên có ghe thuyền từ Hội An lên và thượng nguồn Vu Gia xuống, buôn bán tấp nập, người xưa gọi là bến sông trước, đến nay sông không còn lưu thông nữa. Dân làng đoàn kết, ham học hỏi, siêng năng lao động, khéo tay với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng thuốc lá. Dân làng phát huy và giữ gìn truyền thống của tổ tiên đánh giặc giữ làng, thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn. Toàn thôn hiện nay có 117 hộ, 486 nhân khẩu và nhiều tộc họ sinh sống.
9)Thôn Xuân Đài: Thời trước Xuân Đài được chia làm 4 xóm: Đông, Tây, Nam, Bắc, nhân dân dựng đình làng để thờ phụng tiền nhân và cũng là nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi của dân làng. Đầu năm 1947, làng Xuân Đài nhập vào xã Hoàng Diệu và nay là 1 thôn của xã Điện Quang. Nơi đây là đất học, thời khoa cử có 1 tiến sĩ, 2 phó bảng, 6 cử nhân và 15 tú tài. Các thế hệ kế tiếp, số người có bằng tiến sĩ, đại học cũng không ít. Xuân Đài vốn có truyền thống yêu nước, thời Tây Sơn có đô đốc Đoàn Ngọc Tài, thời chống Pháp có Tổng Đốc Hoàng Diệu, người tuẫn tiết để bảo vệ thành Hà Nội, được Bác Hồ ca ngợi “Cùng thành mà mất làm gương để đời”. Những năm đầu có Đảng, Xuân Đài có liệt sĩ Phạm Thâm, … cùng nhiều đồng bào, đồng chí Xuân Đài đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả thôn Xuân Đài có 205 hộ, 1.020 nhân khẩu.
10)Thôn Kỳ Lam: Lúc đầu các tộc Trần, Nguyễn, Huỳnh, Đỗ, sau thêm các tộc Lê, Nguyễn Cổ, Nguyễn Đình đến ở gọi chung là thất tộc.. Nhiều thập kỷ trôi qua, dân cư ngày càng đông, khoảng năm 1600 các tiền nhân đã qui lập, khai sinh làng gọi là làng Kỳ Lam, thuộc tổng Đa Hòa, huyện Diên Phước, trấn Quảng Nam. Lúc bấy giờ Kỳ Lam gồm có Kỳ Lam Đông, Kỳ Lam Tây, Kỳ Lam Bắc, Kỳ Lam Nam (còn gọi là ấp Nam). Địa giới Kỳ Lam trải qua nhiều lần thay đổi. Năm 1945 – 1946, Kỳ Lam Nam thuộc xã Thái Hòa. Năm 1947 Kỳ Lam Nam là thôn 6 của xã Điện Quang, Năm 1955 Kỳ Lam thuộc xã Kỳ Châu. Năm 1965 thôn Kỳ Lam thuộc xã Điện Quang. Năm 1976, do yêu cầu sản xuất, Kỳ Lam sát nhập với thôn Xuân Đài thành thôn Xuân Kỳ. Năm 1987 thì tách ra thôn Kỳ Lam. Thôn Kỳ Lam có 2019 hộ, 1.051 nhân khẩu.
Đến tháng 4/2019, Xã Điện Quang thực hiện đề án sáp nhập. Từ 11 thôn sáp nhập lại còn 6 thôn đó là: Phú Văn (415 hộ), Phú Đông (310 hộ), Tam Thạnh (240 hộ), Bảo an (563 hộ), Bến Đền (343 hộ) và Xuân Kỳ (468 hộ). Sau khi sáp nhập thôn có sự biến động của 10/11 thôn, chỉ có thôn Phú Đông giữ nguyên không sáp nhập.
II/Văn hóa:
Đất Quảng Nam nói chung, Điện Quang nói riêng mang những nét đặc trưng của một nền văn hóa độc đáo. Trong công cuộc di dân vào vùng đất mới, cư dân Đàng Ngoài đã mang theo những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Đại Việt, hòa hợp có chọn lọc với một số yếu tố của nền văn hóa Chăm, cộng vào đó là sắc thái văn hóa bản địa của từng vùng đất, đồng thời trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, để tồn tại và phát triển, đã hun đúc nên khí chất tốt đẹp, hình thành nên nét văn hóa Quảng Nam – Điện Quang – Đó là tính năng động, nhạy cảm, tư duy sâu sắc, dám nghĩ, dám làm, anh dũng, kiên cường trong lao động xây dựng và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Có những hình thái văn hóa sau:
-Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”:
+Ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các danh nhân, chí sĩ, …: Xã Điện Quang có 1 nghĩa trang Liệt Sĩ được xây dựng khang trang, tôn nghiêm,
+Có nhiều di tích lịch sử ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình đấu tranh giữ nước, những tấm gương trung liệt, những danh nhân văn hóa như:
Di tích cấp quốc gia; Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu (Thôn Xuân Đài, xã Điện Quang)
Di tích Bia chiến thắng Đồn Văn Ly (Thôn Văn Ly, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Lăng mộ tiến sĩ Phạm Tuấn Thôn Xuân Đài, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Nhà lưu niệm Anh hùng lục lượng vũ trang Hà Văn Trí (Thôn Na Kham, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Vụ thảm sát chợ Chương Dương (Thôn Phú Đông, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Vụ thảm sát Phi Phú (Thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Lăng mộ chí sĩ Lê Đình Dương (Thôn Na Kham, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Đình làng Bảo An (Thôn Bảo An, xã Điện Quang)
Di tích cấp tỉnh, thành phố: Lăng mộ chí sĩ Phan Thành Tài người làng Điện Quang nhưng được xây dựng ở phường Vĩnh Điện, Thị xã Điện Bàn.
Năm 2013 nhà tưởng niệm cụ Hoàng Diệu được khởi công xây dựng tại thôn Xuân Đài xã Điện Quang, sát nhà thờ tộc Hoàng.
-Quan hệ dòng tộc, gia đình: Đây là bản sắc văn hóa hết sức tự nhiên của người Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê. Một nét văn hóa bất thành văn, tôn ti trật tự, thuần phong mỹ tục. Các tộc họ giáo dục con cháu, gia đình giáo dục con cháu – là cơ sở cho một xã hội văn minh.
-Quan hệ bà con, chòm xóm: Coi trọng tình làng nghĩa xóm, tương trợ nhau khi tối lửa tắt đèn, ốm đau, hoạn nạn. Có câu “bà con xa không bằng hàng xóm gần”.
-Văn hóa ẩm thực: Hết sức dân dã, chân quê. Người lao động ăn ngày năm bữa, ba bữa chính (sáng, trưa, tối), 2 bưa phụ (nửa buổi sáng và nửa buổi chiều). Cơm thường có độn (bắp, khoai, ..), thức ăn cũng rất đơn giản: rau, dưa, cá , thịt, … Uống nước chè xanh. Nhà khá giả thì ăn ngày 3 bữa chính, cơm trắng, nhiều thức ăn hơn.
Các món đặc sản: bò thui (bò tái), thịt gà xé trộn rau răm, cháo lòng thả, mì Quảng, ... Ngoài ra còn có món khai vị như ram, dưa chuối, bánh tráng nướng, … Ngày tết thì nấu bánh tét, bánh rò, bánh tổ, …
Thức uống: Chủ yếu là chè xanh, ngoài ra còn dùng nước đậu muồng, nước chè hai, nước lá mồng 5, …
-Sinh hoạt văn nghệ: Hát hò khoan, hát ru con, hát bài chòi, bài ghế, ca xuân sắc bùa, hát bội, …
-Thể dục – thể thao: Võ thuật, bơi lội, cờ tướng, .. và các môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, …
-Văn hóa tâm linh – các lễ hội: Tết Nguyên Đán, lễ hội Thanh minh, lễ tế Kỳ yên, lễ tế Âm linh, .. được thực hiện tùy theo quan niệm tâm linh của con người. Liên tục trong 12 năm gần đây, chính quyền xã Điện Quang đều kỳ công tổ chức lễ hội Thanh Minh nhằm tụ tập con cháu về quê hương để tưởng niệm công đức tiền nhân, để cùng nhau nhìn lại quê hương và cùng tâm nguyện đồng lòng ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn.
Trên địa bàn Điện Quang có 1 ngôi chùa Phật giáo – chùa Phổ Quang ở thôn Tam Thạnh, thu hút đông đảo bà con Phật giáo đến đây vào các ngày rằm, mùng một tạo nên một sắc thái văn hóa tôn giáo tĩnh lặng, làm cho lòng người có những phút thăng bằng trong cuộc sống mưu sinh tất bật.
Rải rác trong các khu dân cư ở các thôn là các nhà thờ tộc họ với lối kiến trúc vừa cổ xưa vừa mới mẻ, khang trang, ấm cúng.
-Văn hóa chợ: Muốn biết được văn hóa của xứ nào thì vào xem chợ của xứ đó. Từ xưa do nhu cầu cuộc sống, Điện Quang đã có chợ. Chợ tụ tập ở từng khu dân cư nhỏ gọi là chợ chồm hổm. Dần phát triển thành chợ có qui mô đàng hoàng. Ngày trước có chợ Bến Đến nằm bên bờ sông Trước giao lưu buôn bán với Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An, … Chợ Tư Phú nằm bên bờ sông Sau, khá khang trang. Chợ Bảo An thành lập muộn hơn vào giữa thập niên 30 của thế kỷ XX. Chợ nằm trên đường liên xã thuận tiện mua bán, trật tự, vệ sinh. Chợ Điện Quang mạng nét đẹp chợ quê, phần lớn bày bán những mặt hàng của miền quê, được khách thành phố ưa thích như hến, nhộng, rau, … phụ nữ miền quê thật thà chân chất, nói nói cười cười mời bán mời mua nghe rất vui tai.
C/KINH TẾ - CƠ SỞ HẠ TẦNG (Điện, đường, trường, trạm):
I/Kinh tế:
-Nông nghiệp: chủ yếu là cây lương thực (lúa, bắp); cây công nghiệp như dâu, bông, mía, đậu, dưa hấu, … Vùng trũng thì trồng lúa nước, vùng cao hơn làm lúa sạ, lúa gieo.
-Nghề làm vườn: bầu, bí, cây củ, cam quít, hành tỏi, rau, cải, … được trồng quanh vườn nhà phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Có qui mô lớn thì sẽ là nguồn kinh tế của gia đình.
-Hiện có 2 nhà máy công nghiệp (1 nhà máy may ở thôn Xuân Kỳ và 1 nhà máy chế biến thủy sản ở thôn Phú Văn), góp phần giải quyết tình trạng lao động nông nhàn cho cư dân Điện Quang.
-Sau ngày nước nhà giải phóng, lãnh đạo xã Điện Quang đã xây dựng các mô hình kinh tế như hợp tác xã mua bán, hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp, … Ngày nay hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn tồn tại, hoạt động rất phát triển.
-Các nghề truyền thống:
+Trồng dâu, nuôi tằm: Trồng dâu trên đất bãi biền dọc hai bên bờ sông. Trước Cách mạng tháng Tám, nghề trồng dâu chăn tằm rất phát triển, kéo theo là nghề ươm tơ dệt lụa.
+Trồng cây thuốc lá: Điện Quang có thuốc lá Bến Đền nổi tiếng được ưa thích. Nhưng những năm gần đây diện tích trồng cấy thuốc lá ít hơn trước rất nhiều.
+Nghề sản xuất đường: có sẵn nguyên liệu trên đất Điện Quang. Các chủ lò nấu đường thường dựng chòi chòi đạp mía nấu đường ngay trên cánh đồng mía để tận dụng lá và bã mía làm chất đốt.. Đường thành phẩm gọi là đường bát (đường tán), rất thông dụng.ở Điện Quang có một bến sông gọi là Bến Đường, danh xưng này nói lên đường là một sản phẩm quan trọng của Điện Quang có một thời thịnh vượng.
+Nghề ươm tơ: là nghệ thủ công gia đình. Cần chọn loại kén tốt thì tơ mới đạt sản lượng và chất lượng. Nghề truyền thống này cũng lắm lao đao vì sự lấn át của tơ ngoại nhập.
+Nghề dệt các loại:
Dệt và nhuộm vải ta: nguyên liệu từ chỉ cây bông vải, chỉ phải có sợi nhỏ, không có mắc thì vải được dệt ra mới mịn, đẹp. Nghề này rất thịnh ở Bảo An trước đây:
“Tiếng đồn con gái Bảo An
Khéo mua sợi nhỏ về đan mành mành”
Dệt tuýt xo (tussor): Người Điện Quang học hỏi cách dệt vải này từ người Pháp. Hai làng Xuân Đài, Bảo An nổi tiếng một thời về nghề dệt này.Mặt hàng tuýt xo trước đây chuyên tiêu thụ ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Huế, …
Dệt hàng, dệt lãnh: lúc đầu dệt bằng tay, vào khoảng năm 1937 thì có người sáng tạo ra máy dệt hàng (ông Võ Diễn - người Duy Xuyên), Điện Quang nhanh chóng tiếp nhận kỹ thuật dệt mới này.
+Nghề nấu rượu: ngày xưa rượu Bảo An, Xuân Đài nổi tiếng thơm ngon, uống không hề đau đầu. Bị thực dân Pháp cạnh tranh gay gắt.
-Thương nghiệp: giao lưu mua bán hàng hóa tự làm ra (đường, vải, tuýt xo, thuốc lá, rượu, ..) trong xã và với các nơi khác. Ngược lại mua cau khô, hạt tiêu từ Quế Sơn, Tiên Phước đem bán cho Hội An, … Nghề buôn thịnh hành, ngoài sử dụng phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt chở hàng vào Nam ra Bắc, còn sử dụng đường thủy bằng ghe bầu chở gạo, mắm, muối từ các tỉnh về Bến Đường cho nhân dân trong xã và các vùng lân cận tiêu thụ.
II/Cơ sở hạ tầng (Điện, đường, trường, trạm):
Trước kia, trong thời kỳ chiến tranh cuộc sống trăm bề thiếu thốn, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân xã Điện Quang đã chung sức chung lòng từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển quê hương. Từ trong đổ nát hoang tàn của chiến tranh, cuộc sống đang dần hồi sinh. Nhờ những biện pháp tích cực của các cấp lãnh đạo xã, của lãnh đạo cấp trên mà Điện Quang ngày nay đã thật sự đổi đời, nhân dân có được một cuộc sống hằng mong ước bấy lâu.
-Đường: Từ trước, tuy là một cù lao nhưng Điện Quang đã có nhiều tuyến giao thông thuận tiện. Ban đầu giao thông chủ yếu bằng đường thủy với nhiều bến đò ngang, đò dọc. Có hệ thống đường bộ liên xã, thông suốt với 2 xã Điện Trung và Điện Phong, nối với quốc lộ 1A bằng cây cầu sắt (cầu Đen). Khoảng giữa thập niên 40 của thế kỷ trước có đường sắt Bắc – Nam xuyên qua cuối xã, chiều dài khoảng 4, 5 km, có cả một nhà ga cho tàu ngừng đón khách. Năm 2004 ga Gò Nổi ngừng hoạt động do không có đường tránh, đường sông khô cạn, chỉ còn duy nhất đường bộ. Đường bộ trên toàn xã ngày nay đã được bê tông hóa toàn bộ, không còn cảnh mịt mù cát bụi, lầy lội, trơn trợt hay xóc ổ gà như ngày xưa nữa.
-Điện: Không chỉ dùng để thắp sáng trong hà, xóm ngõ mà còn kéo ra bãi biền, đồng ruộng để thủy lợi hóa cho cây trồng.
-Trường: Toàn xã có 4 trường học (1 trường THCS đó là trường THCS Trần Cao Vân, 2 trường tiểu học: Phan Thanh và Trần Thị Lý, 1 trường Mầm Non: Phan Triêm). Các trường đều được xây dựng mới, bề thế, qui mô, đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm định giáo dục mức III.
-Trạm: Được tầng hóa kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Có đội ngũ cán bộ y tế từ bác sĩ đến y tá đều được chuẩn hóa trình độ.
D/TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN ĐIỆN QUANG (1858 – 1875):
I/Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ xã Điện Quang:
Từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta tại Đà Nẵng (1858), làng quê Điện Quang đã cùng cả nước chống thù. Trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp tại Đà Nẵng năm 1858, Điện Quang đã cống hiến những anh hùng như Nguyễn Văn Húy, Nguyễn Xá, Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Quang Nguyên, Phan Văn Rinh, … thi thể các ông được chôn cất tại nghĩa trang Khuê Trung và phường Nam Dương (Đà Nẵng), nay vẫn còn lưu giữ bia ghi công. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) đã mở ra con đường cứu nước co dân tộc ta. Trải qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm, mãi đến ngày 9.10.1945 theo quyết định của huyện ủy Điện Bàn , tại Điện Quang chi bộ Phi Phú được thành lập, và cũng trong tháng 10/1945 thêm một chi bộ nữa ra đời: chi bộ Toàn Thắng – 2 chi bộ Đảng này đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng xã nhà dưới sự chỉ đạo của cấp trên. Sau Hiệp dịnh Giow-ne-vơ, ta giải thể 2 chi bộ trong thời kháng chiến chống Pháp, lập các chi bộ theo làng: chi bộ Tư Phú Đông, chi bộ Tư Phú Tây, Bảo An và Kỳ Lam Nam mỗi nơi thành lập 1 tổ Đảng. Giai đoạn chiến tranh ác liệt cuối 1958 đầu 1959 các chi bộ và tổ Đảng tam ngừng hoạt động cho đến năm 1964 mới tái lập. Đến thángs 8/1975 ùng với quá trình nhập xã, hai chi bộ Điện Hông, Điện Quang cùng với chi bộ Điện Phong (cũ) nhập lại thành Đảng bộ xã Điện Biên. Tháng 12/1975 đổi thành Đảng bộ xã Điện Xuân, tháng 1/1976 tiếp tục đổi thành Đảng bộ xã Điện Quang cho đến nay. Sau ngày hợp nhất thành một Đảng bộ, Đảng bộ Điện Quang không ngừng được củng cố và phát triển vững mạnh, đến nay đã trải qua 14 nhiệm kỳ đại hội.
II/Những tấm gương yêu nước – Danh nhân văn hóa:
-Tổng đốc Hoàng Diệu (1828 – 1882): người làng Xuân Đài, xã Điện Quang đã tuẫn tiết cùng thành Hà Nội, nêu cao tấm gương trung liệt..
-Trong phong trào Nghĩa Hội Cần Vương, Điện Quang đã có những anh hùng Hoàng Chấn (Xuân Đài), Nguyễn Học, Nguyễn Mẫn (Thạnh Mỹ), Đề Nhữ, Tú Dụng, Tú Dĩnh (Bảo An), Đốc Bùi (Văn Ly), … đã anh dũng hi sinh.
-Xã Điện Quang là nơi có hoạt động duy tân sôi nổi của Quảng Nam với nhiều chí sĩ như Phan Thành Tài, Phan Khôi, Phan Nhụy, Nguyễn Bá Trác, Phan Đắc Lộc, … từ trong phong trào vận động duy tân đã bộc phát thành phong trào chống thuế năm 1908 xuất phát từ xã Phiếm Ái huyện Đại Lộc lan khắp trung kỳ. các chí sĩ đã sáng tác thơ văn để tuyên truyền vận động phong trào. Phong trào bị đàn áp, các chí sĩ yêu nước người bị xử chém, kẻ bị bắt đi đày, …
-Trần Cao Vân (1866 – 1916): một nhà yêu nước quê làng Tư Phú thuộc xã Điện Quang đã từng vào tù ra tội vì đấu tranh cho sự sống còn của đất nước. trong cuộc khởi nghĩa không thành năm 1916 tại kinh đô Huế, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và bị xử chém tại An Hòa (Huế).
-Phan Thành Tài (1878 – 1916): Là một trong những nhân vật trụ cột của cuộc khởi nghĩa Duy Tân, quê làng Bảo An, xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Sau khi tốt nghiệp trung học Pháp – Việt, ông được bổ làm thông ngôn tại dinh tổng đốc Bình Phú, rồi làm thông phán tại Bác Cổ học viện Nam Kỳ. Chỉ một thời gian ngắn ông từ chức về quê mưu đồ việc lớn. Cùng với các chí sĩ yêu nước của Việt Nam quang phục hội, ông được giao trọng trách chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và bị hành quyết tại một cồn hoang gần chợ Vĩnh Điện.
-Lê Đình Dương (1894 – 1919): Là một nhà tân học, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Y khoa Đông Dương, quê ở làng Đông Mỹ, nay là Na Kham thuộc xã Điện Quang. Ông là người tiên phong trong gia nhập Việt Nam quang phục hội, giữ vị trí nòng cốt của hội cho đến khi nổ ra khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt, bị đày tại Khánh Hòa rồi lên Buôn Ma Thuột, ông đã dùng thuốc độc tự kết liễu đời mình.
-Trần Công Chương (1887 – 1917): Quê làng Tư Phú Đông, thông minh, hiếu học, văn hay chữ tốt, tham gia phong trào duy tân đất nước, cổ súy học Quốc Ngữ, bài trừ mê tín, hủ tục, kêu gọi sống theo nếp mới, … ông đã tích cực tham gia phong trào chống thuế, bị giặc bắt tra tấn dã man. Ra tù ông lại tiếp tục có mặt trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân cùng với Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, … Ông bị bắt giam ở nhà lao Hội An, sau đó bị đày đi Lao Bảo. Tháng 7/1917 ông bị giặc bắn chết ngay trong ngục. Đê nhớ ơn hai nhà yêu nước, nhân dân đã ghép tên hai ông (Lê Đình Dương và Trần Công Chương) để đặt tên cho 5 thôn cũ là Tư Phú Đông, Tư Phú Tây, Tam Điện, Thạnh Mỹ và Văn Ly thành tên xã Chương Dương sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
-Phạm Thâm (…): Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt sự bế tắc về con đường cứu nước. Quảng Nam lúc bấy giờ đã thành lập được chi bộ Đảng, còn Điện Ban thì có một chi bộ Đảng cấp phủ. Thời kỳ này Điện Quang cũng như các xã khác chưa có tổ chức Đảng tại địa phương nhưng Điện Quang vinh dự có đồng chí Phạm Thâm người làng Xuân Đài gia nhập Đảng đầu tiên, ông từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt, đã tổ chức đấu tranh cách mạng cho quần chúng Điện Quang và các vùng lân cận. Cuối năm 1930 Phạm Thâm bị bắt, bị tra tấn, đánh đạp rất dã man. Ra từ thì sức khỏe cũng đã kiệt quệ, ông qua đời vào năm 1932 tại quê nhà.
-Đồng chí Phan Bôi ( 1911 – 1947): còn có tên là Hoàng Hữu Nam, sinh tại làng Bảo An, từng hoạt động cách mạng trong cuộc bãi khóa năm 1927 của trường Quốc học Huế, gia nhập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929, năm 1930 ông được cử vào Ban chấp hành Đảng bộ xứ ủy Nam Kỳ. ông cho xuất bản báo “Lao động” gây ảnh hưởng lớn trong giới cần lao. Trong lần diễn thuyết tại cuộc mittinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái ở Sài Gòn 2/1930 ông bị bắt cùng một số các đồng chí khác và bị tuyên án 20 năm tù giam, bị đày ra Côn Đảo. Rời nhà tù Côn Đảo, Phan Bôi tiếp tục tham gia vào phong trào Dân chủ Đông Dương cuối năm 1936. Tích cực viết bài cho các báo tiến boojbawngf cả hai thứ tiếng Pháp – Việt. Tháng 5/1940 nhà cầm quyền Pháp thẳng tay đàn áp phong trào, ông lại bị giặc bắt và được thả vào năm 1944 trả về chiến khu Việt Bắc giữ nhiều chức vụ quan trọng và được Bác Hồ thương yêu, tin cậy. Ngày 24/4/1947, vừa tròn 36 tuổi, ông đã bị tai nạn trên đường đi công tác ở Việt Bắc và đã qua đời. Thi hài của ông được mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.
-Phan Thanh (1908 – 1939): Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo thường viết bài cho các báo tiến bộ phục vụ chủ trương đấu tranh công khai cũng vừa là nghị viên nổi tiếng trong đấu tranh nghị trường. Nhà cách mạng trí thức này đã lớn tiếng bảo vệ quyền lợi của người dân trong các diễn đàn làm kinh ngạc kẻ địch. Ông đã đột ngột qua đời vào ngày 1/5/1939 để lại niềm thương tiếc vô bờ đối với nhân dân cả nước.
-Phan Nhụy (…. ): Ông từng tham gia vụ đấu tranh bảo vệ Phan Bôi diễn thuyết, vụ đón Godak, vận động quần chúng 2 huyện Đại Lộc và Hòa Vang bầu cử Phan Thanh vào viện dân biểu Trung Kỳ Sau khi Phan Thanh qua đời, Phan Nhụy lại tiếp tục vận động cho Đặng Thai Mai thay thế. Vì nhiệm vụ mà phải tạm thời đứng ngoài Đảng để đễ bề hoạt động cách mạng, Phan Nhụy đã phải gác nỗi niềm riêng để làm tốt nhiệm vụ Đảng giao.
-Phan Triêm: Sinh trưởng trong một gia đình tiểu thủ công nghèo ở làng Bảo An, vào Sài Gòn làm nghề cắt tóc và hoạt động cách mạng. Ông được Đảng tin tưởng giaonhieeuf trọng trách. Năm 1940 ông bin giặc bắt, bị tra tấn dã man và bị đày ra Côn Đảo. Đến ngày Nhật đảo chánh ông được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1982 ông nghỉ hưu và qua đời tháng 12/2001 thọ 86 tuổi.
-Chị Trần Thị Vân, Trần Thị Lý là những người con Điện Quang anh hùng trong thời chống Mỹ, kiên trung cách mạng trước tội ác của kẻ thù. Nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi chị Lý trong bài thơ “Người con gái Việt Nam”, …
Còn rất nhiều đồng bào, đồng chí của ta anh dũng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp thống nhất đất nước – Sự hy sinh lớn lao đó sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc, Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công.
-Hiện nay toàn xã có 153 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1.165 Liệt Sĩ; 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 312 thương, bệnh binh.
-Điện Quang còn được mệnh danh là “đất học” với tiến sĩ Phạm Tuấn trong “ngũ phụng tề phi” ở khoa thi năm Mậu Tuất 1898 dưới triều Thành Thái năm thứ 10, với những nhà khoa học nổi tiếng như 5 anh em Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)… Còn gần đây, Điện Quang là quê hương của nhà ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Thị Bình, sau đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, nay đã nghỉ hưu, ...
III/ Những trận đánh tiêu biểu:
-Trận tiêu diệt đồn Xuân Đài (22/7/1952): Bộ Tư lệnh Liên khu V chủ trương mở chiến dịch hè thu năm 1952 nhằm tiêu diệt nhiều đồn bót và căn cứ địch đóng trong địa bàn Điện Bàn, chủ yếu là vùng Gò Nổi mà điểm đột phá là đồn Xuân Đài. Đồn Xuân Đài được địch xây dựng kiên cố, xung quanh rào dây thép gai, cài mìn dày đặc. Địch thường xuyên đóng một đại đội, trang bị vũ khí đầy đủ. Đúng 1 giờ 30 phút sáng ngày 22/7/1952hoar lực của ta dội bão lửa liên tục vào đồn, kết hợp với cuộc bao vây tiến công chớp nhoáng của bộ binh ta. Bằng một đòn đánh mạnh phủ đầu bất ngờ, quân ta tiêu diệt gọn đồn Xuân Đài, bắt nhiều tù binh, trong đó có tên đồn trưởng bị thương nặng, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng.
-Trận tiêu diệt đồn Văn Ly (26/7/1952): Đây là một cứ điểm trọng yếu của địch xây dựng trên một địa hình phức tạp, 3 mặt là sông nước, phía trước có lô cốt boongke, bên trong có hầm kiên cố, được bố trí hỏa lực mạnh.Mất đồn Xuân Đài, địch ở Văn Ly ráo riết đề phòng. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ đầu. Trên các hướng đột phá của ta, địch trong đồnbắn ra dữ dội, pháo từ Ái Nghĩa, Vĩnh Điện tới tấp bắn chi viện, nhưng không cứu vãn được tình thế. Đồn Văn Ly bị hạ sau một tiếng đồng hồ. Ta thu được nhiều chiến lợi phẩm, nhất là gạo, thứ vô cùng cần thiết cho bà con trong lúc đang rất thiếu thốn về lương thực.
E/NHÂN DÂN VÀ ĐẢNG BỘ XÃ ĐIỆN QUANG TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG HÒA BÌNH, CÙNG CẢ NƯỚC TIẾN LÊN THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975 – NAY):
I/Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh:
Công việc đầu tiên là xây dựng nhà ở, qui hoạch lại khu dân cư, qui tập mồ mã (nghĩa trang được qui tập ở chân núi xã Duy Châu – Duy Xuyên), khai hoang vỡ hóa, xây dựng hệ thống thủy nông (trạm bơm Văn Ly).
Năm 1977 hợp tác xã mua bán Điện Quang hình thành.
Tháng 8/1978, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ và chính quyền xã vận động bà con thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Non 2 tháng sau, 2 hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang I và Điện Quang II ra đời. Tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp tăng diện tích đất trồng và sản lượng, chuyên canh, xen vụ, đa dạng cây trồng, khắc phục đói nghèo. Năm 1982 hợp tác xã II được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, tiếp theo năm 1983 hợp tác xã I cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
II/Mở mang giáo dục, văn hóa xã hội:
-Năm học 1975 – 1976 có 1 trương tiểu học với 7 phòng học bằng tranh tre, đến năm học 1984 – 1985 mở thêm 1 trường cấp II gồm 4 phòng tranh tre, 31 phòng gạch lợp tôn.Nhân dân trong xã cùng 2 xã bạn vùng Gò Nổi mở 1 trường cấp II tại Điện Trung để các em khỏi phải đi học xa sau khi học hết cấp cơ sở. Ngoài ra còn xây dựng các nhà trẻ và mẫu giáo tại các thôn.
-Hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được quan tâm phát triển. Hai đài truyền thanh của 2 hợp tác xã được thành lập. Hợp tác xã I có phòng đọc sách nhỏ, hợp tác xã II có đội văn nghệ mang tiếng hát lời ca đến với mọi người.
-Thể taho: Xã có 2 sân vận động, chon được nhiều cầu thủ bóng đá thi đấu với các xã bạn trong vùng, trong huyện.
-Khu trung tâm hành chánh của xã hình thành vào năm 1984 – 1985 tại nơi tiếp giáp giữa Bảo An và Thạnh Mỹ trên một khu đất rộng rãi thoáng đãng, ở đây có trự sở Đảng ủy và Uỷ ban nhân dân , có sân vận động, trường phổ thông cơ sở, nghĩa trang liệt sĩ, trạm y tế xã.
-Toàn dân thực hiện cuộc vận động sống theo nếp sống mới, giáo dục truyền thống ‘uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa đúng với đạo lý vớn có của người Việt Nam từ xã xưa đến nay.
-Năm 2015, Điện Quang được công nhận là xã ‘Nông thôn mới’ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
III/Củng cố tổ chức hệ thống chính trị, giữ gìn trật tự trị an, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc:
Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ xã Điện Quang đã kịp thời có những thay đổi phù hợp với xu thế thay đổi và phát triển chung của cả nước, trung thành với định hướng xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức an ninh được thành lập và không ngừng phát triển (dân quân tự vệ). Hội phụ nữ ra đời chăm lo về mọi mặt cho cuộc sống nhân dân. Thanh niên hăng hái nhập ngũ làm tốt nghĩa vụ công dân đối với đất nước. Lực lượng vũ trang Điện Quang từng là đơn vị dẫn đầu của huyện (trong những năm từ 1976 – 1978 và từ 1980 – 1983), 2 năm 1983 – 1984 lực lượng công an Điện Quang được huyện công nhận là đơn vị Quyết thắng.